Sinh viên Việt Nam nên thay đổi thói quen của mình, tập cách sống xanh bằng những cách đơn giản hằng ngày.
Vài thập niên trở lại đây, khi nghe nói đến vấn đề môi trường, ta thường nghe nói đến cụm từ “biến đối khí hậu”. Thực tế, biến đổi khí hậu đang là đề tài nóng bỏng của toàn nhân loại. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến các hệ sinh thái tự nhiên, nguồn tài nguyên thiên nhiên, kinh tế, xã hội và đặc biệt là sức khỏe, đời sống của người dân. Tại nước ta, biến đổi khí hậu thấy rõ ở việc miền Bắc rét đến buốt người, miền Trung nắng nóng kéo dài và lũ lụt nhiều hơn trước; miền Nam đã bắt đầu có mùa đông…
Chúng ta đã nghe những lời cảnh báo đáng sợ về biến đổi khí hậu như: mực nước biển dâng; đất đai, nhà cửa bị nhấn chìm; hạn hán; lũ lụt; bệnh tật… song vẫn còn nhiều người, hình như vẫn như chưa nghe thấy g cả. Thử hỏi, báo đài hiện nay dành bao nhiêu phút, bao nhiêu dòng để nói về vấn đề môi trường? Hàng nghìn núi rác đổ ra ngoại thành Hà Nội và TP HCM, liệu có ai biết có sẽ đi về đâu và hậu quả của nó thế nào hay chưa?
Đặc biệt, sinh viên, tầng lớp tri thức của xã hội đang phải đối mặt với thách thức to lớn về sự thiếu hiểu biết về sinh thái và môi trường, thiếu những kỹ năng và kiến thức để ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, hiện nay, một bộ phận sinh viên có những thói quen gây ảnh hưởng đến môi trường và tăng cường biến đối khí hậu.
Do đó, chúng ta cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của sinh viên về biến đổi khí hậu; nguyên nhân; những hoạt động có thể làm để ứng phó với biến đối khí hậu. Bản thân mỗi người đều có thể góp phần để giảm nhẹ ô nhiễm.
Thanh niên trên thế giới đang có nhiều chiến dịch, phong trào để nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu như: 350, ride planet earth… Thanh niên Việt Nam cũng đang hòa mình vào với thế giới bằng những chiến dịch 26 độ, ăn chay vì môi trường…
Chúng ta hãy cũng tập cách sống xanh bằng những cách đơn giản hằng ngày như: đi xe đạp hoặc xe bus tới trường; khi phải đi xe máy, nếu tiện đường thì đi chung xe để có thể tiết kiệm xăng; sử dụng nước thải để tưới cây xanh; không để TV, máy tính ở chế độ sleep; rút sạc pin khi pin đầy; tận dụng ánh sáng tự nhiên; sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện; hạn chế sử dụng túi nilon (đơn giản như mua bánh tráng trộn, lấy một bịch nilon)
Thế đấy, chỉ thay đổi một chút thói quen trong cuộc sống chúng ta có thể sống thân thiện và bền vững hơn với môi trường. Đặc biệt, mọi người nên tăng cường tiếp xúc và tìm hiểu thiên thiên để nâng cao tình yêu của mình đối với thiên nhiên, môi trường bởi lẽ: “Cuối cùng, con người ta chỉ bảo vệ và gìn giữ những gì họ yêu, chỉ yêu những gì họ hiểu và chỉ hiểu những gì họ được học”.