Thống kê cả nước đến nay, chỉ tính thủy sinh vật ngoại lai, đã có khoảng 50 loài được nhập vào nước ta nuôi thương phẩm và khoảng 190 loài cá cảnh được nhập cho nhu cầu vui chơi, giải trí. Đáng lo ngại là có những trường hợp du nhập những loài thủy sinh vật ngoại lai vào Việt Nam với số lượng lớn nhưng do không được kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ đã để xảy ra tình trạng bùng phát trong tự nhiên và gây ra tác hại nặng nề.
Việc quản lý đa dạng sinh học trong đó có sinh vật ngoại lai được quy định trong Luật Đa dạng sinh học nhưng nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành chưa rõ ràng và phân tán. Ngành nông nghiệp cấp phép nhập khẩu giống thủy sinh vật vào Việt Nam, song quản lý thủy sinh vật ngoại lai trong nước lại do ngành TN&MT, khiến việc ngăn ngừa, kiểm soát chồng chéo, thiếu thống nhất, kém hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lại xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020. Việc VACNE tiến hành khảo sát nhằm triển khai Đề án trên là hết sức cần thiết, không phải Hội chuyên ngành nào cũng làm hiệu quả, thiết thực được như vậy. Quá trình khảo sát cũng là cơ hội các chuyên gia tư vấn cho bà con nông dân và cán bộ địa phương biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai để phát triển kinh tế mà không gây ảnh hưởng tới môi trường nông nghiệp, không làm suy giảm sự đa dạng về sinh học.
Đã có nhiều bài học xương máu từ những thực vật xâm hại đã phá hoại cảnh quan môi trường như dây leo bìm bìm, cây mai dương, còn gọi là cây trinh nữ nâu, cây mắt mèo… Việc tư vấn kịp thời nâng nhận thức cộng đồng ngày càng cần thiết. Đừng giải quyết mọi việc khi sự đã rồi. VACNE đã và đang thực thi tốt điều đó.